Biến vỏ hạt điều thành tiền

Category:

Vỏ điều là thứ nhiều người cho là rác, nhưng đang trở thành nguồn nguyên liệu mới và có thể mở ra một thị trường hàng trăm triệu USD mỗi năm. Bởi vì, dầu vỏ hạt điều là một loại nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp.

Thông thường, từ 1 tấn hạt điều khô có thể chế biến được 250-300 kg nhân và 700-750 kg vỏ hạt, từ đó có thể sản xuất được khoảng 154 kg dầu. Dầu điều có thành phần sử dụng trong các loại vật liệu kết dính chất lượng cao, dùng làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt, bền hóa chất công nghiệp, ứng dụng trong công nghiệp điện và điện tử…

Hiện nay, Đồng Nai chiếm tỉ trọng 60% trong ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều của cả nước. Do đó, đây là địa phương có thế mạnh trong sản xuất dầu điều. Chia sẻ cùng NCĐT về giá trị của vỏ điều, ông Đỗ Nguyễn Kiên, Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ F.T.E, nhận định rằng, vỏ điều mặc dù là phụ phẩm nhưng lại là nguồn thu chính của Công ty. Các công ty sản xuất dầu điều lớn như F.T.E, Cát Lợi, Hùng Lộc (Đồng Nai) hay Thảo Nguyên (Vũng Tàu)… thường mua vỏ điều về lưu kho và sản xuất dần. Giá vỏ điều ở thời điểm hiện tại khoảng 1.450 đồng/kg.

Hầu hết các công ty sẽ tập trung sản xuất dầu điều, bán thành phẩm hoặc cao cấp hơn là tinh chất dầu Cardanol. Mặc dù được đánh giá là sản phẩm có giá trị lớn nhưng theo đại diện của Công ty F.T.E, lợi nhuận trung bình đối với dầu Carnadol không dưới 2 triệu đồng/tấn, có thời điểm lên 4 triệu đồng/tấn.

Do điều kiện bảo quản ngắn và đầu tư hệ thống sản xuất dầu Carnadol lớn và rủi ro lại cao hơn nên hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất dầu điều. “Hầu hết các doanh nghiệp hạn chế chào hàng do nguồn cung không đủ cho các đơn hàng khoảng 100-200 tấn. Mặt khác, do chi phí đầu tư máy sản xuất Cardanol khá cao, ở mức 2,5 tỉ đồng công suất 50 tấn/tháng, trong khi tiềm năng về thị trường dầu điều còn lớn, nên chúng tôi chưa mặn mà với Cardanol”, ông Kiên giải thích.Ngoài ra, F.T.E còn xuất khẩu bã vỏ điều làm chất đốt và dầu cặn đáy sang thị trường Hàn Quốc. Trong đó, dầu cặn đáy được tận dụng để đốt thay dầu FO, mặc dù nhiệt lượng kém hơn nhưng lại có nhiệt độ đông đặc ở mức thấp -42 độ C nên được sử dụng nhiều ở những nước có khí hậu lạnh.

385

Ước tính, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn dầu điều mỗi năm. Các doanh nghiệp đầu ngành mỗi tháng có thể xuất khẩu khoảng 10.000 tấn dầu. Riêng F.T.E trung bình mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn, tối đa có thể đạt 48.000 tấn, chủ yếu xuất sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Tây Ban Nha. Trước đây, Trung Quốc là thị trường chính, nhưng hiện nay Hàn Quốc đang dẫn đầu.

Ông Kiên cho rằng, dầu điều của Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, do cam kết với đơn vị cung ứng máy sản xuất dầu điều, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang gia công hoặc xuất dầu điều thô cho Trung Quốc. Sau đó, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tinh chế thành nhiều sản phẩm khác với giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần dầu thô, bao gồm sản xuất vật liệu kết dính chất lượng cao, các loại sơn cao cấp, vật liệu cách điện, bo mạch sản phẩm điện tử, bột ma sát trong sản xuất bố thắng… Tuy nhiên, theo ông Kiên, trong thời gian tới, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam nên giá thành sản xuất dầu điều tại Trung Quốc chắc chắn cao hơn giá thành tại Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam hoàn toàn có nhiều lợi thế để có thể trở thành trung tâm nguyên liệu sản xuất dầu điều trên thế giới. Dầu điều vẫn sẽ là sản phẩm chính vì tiềm năng khai thác loại dầu này vẫn lớn hơn Cardanol”, đại diện F.T.E đánh giá. Dầu điều trong tháng qua có giá hơn 370 USD/tấn và với mức giá này, doanh thu mang về cho F.T.E hơn 7 triệu USD mỗi năm, tỉ suất lợi nhuận đạt 20%.

Theo ông Kiên, Việt Nam hiện là quốc gia chiếm lợi thế rất lớn để sản xuất dầu điều, bởi riêng trong khối ASEAN, nếu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Brazil là quốc gia sản xuất điều nhưng cũng chỉ mới nổi trong ngành. Ấn Độ mặc dù có sản lượng dầu điều lớn hơn nhiều so với Việt Nam nhưng hạn chế về chi phí vận chuyển. Do đó, lợi thế cạnh tranh ngành điều của Việt Nam rất lớn.

Hiện nay, tại Đồng Nai, Bình Phước cũng có nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhỏ quan tâm đầu tư sản xuất dầu vỏ hạt điều vì dây chuyền thiết bị để sản xuất 100% là hàng trong nước nên vốn đầu tư không quá cao. Mặc dù vậy, ông Kiên cho rằng, để tham gia sản xuất dầu điều, một yếu tố rất quan trọng là khả năng “điều khiển” giá thị trường và nguồn cung. “Để có thể đứng vững trong ngành này, cần có mối quan hệ mật thiết với những nhà cung cấp nhỏ. Chẳng hạn, F.T.E cũng phải liên kết với những tiểu thương tại chợ”. Qua các mối liên kết này, doanh nghiệp và các tiểu thương phối hợp nhịp nhàng trong việc bán hàng và giữ giá thị trường không bị phá vỡ.

Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

30g-hat-dieu-vietnuts

Chỉ 30g hạt điều mỗi ngày cho sức khỏe của bạn